NHỮNG HÀNH ĐỘNG CỦA BA MẸ SẼ GIẾT CHẾT SỰ SÁNG TẠO CỦA CON TRẺ
Cha mẹ là những người luôn lựa chọn tất cả những gì tốt đẹp nhất dành cho những đứa trẻ của mình. Tuy nhiên, có những hành động của cha mẹ gây ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến khả năng sáng tạo của trẻ. Trong nội dung bài viết dưới đây, Superbrain sẽ tổng hợp một số hành động hoặc thái độ sai lầm của phụ huynh mà khi những sự việc đó thường xuyên xảy ra, nó sẽ “giết chết” sự sáng tạo của con trẻ.
Có rất nhiều hành động của bố mẹ đang âm thầm “giết chết” sự sáng tạo của con trẻ
Tính sáng tạo của trẻ là một trong những đức tính rất quan trọng ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của con trẻ sau này. Tuy có chịu tác động của yếu tố bẩm sinh, nhưng tính sáng tạo lại chịu ảnh hưởng rất nhiều từ khả năng tiếp thu và rèn luyện hàng ngày của con trẻ. Nhưng trong cuộc sống thường ngày, có rất nhiều hành động và lời nói của cha mẹ có tác động xấu đến sự sáng tạo của trẻ. Những tác động này tích lũy theo thời gian và khiến trẻ mất dần đi sự sắc bén và khả năng tưởng tượng cần có. Hãy cùng Superbrain “điểm mặt” những hành động đó nhé.
1. Gia đình lục đục
Một đứa trẻ không thể nào phát triển bình thường và khỏe mạnh nếu như nó không được sống trong một ngôi nhà tràn ngập tiếng cười và hạnh phúc. Cha mẹ luôn khó chịu với nhau, thường xuyên cãi nhau và “giận cá chém thớt” thì người đáng thương và mệt mỏi nhất chính là những đứa trẻ. Đã có rất nhiều nghiên cứu cũng như các ví dụ thực tiễn chứng minh những đứa trẻ sẽ có sự phát triển lệch lạc cả về tính cách và trí tuệ nếu như sống trong một gia đình không hạnh phúc.
Sự yêu thương của bố mẹ cũng là điều mà trẻ em cần như cơm ăn áo mặc hàng ngày. Tuyệt vời hơn nữa, tình thương đó không những nuôi dưỡng tâm hồn trẻ, nó còn giúp cho trẻ luôn có tâm lý thoải mái và dễ chịu khi ở chính ngôi nhà của mình. Và chỉ khi nào tâm lý thoải mái, khả năng sáng tạo cũng như các tố chất quan trọng khác mới dễ dàng nảy sinh và phát triển. Hoa hồng đâu thể nào nở hoa nếu như bạn trồng nó giữa sa mạc.
2. Quá bao bọc con trẻ
Tuy cha mẹ có trách nhiệm là phải bao bọc và bảo vệ trẻ, nhưng nếu việc này diễn ra thường xuyên và có cường độ lớn thì đứa trẻ đó sẽ xuất hiện và tính “ì”. Đây là một trong những tính cách mà mức độ nguy hiểm của nó tăng dần theo độ tuổi.
Khi trẻ được bao bọc quá nhiều, không được làm bất cứ một việc gì thì cũng như cơ bắp, não bộ sẽ dần chậm lại. Sự nhanh nhạy giảm dần và tính ì ra tăng bởi trẻ không hề có động lực để làm bất cứ một việc gì. Và khi chức năng não bộ chững lại thì tất cả các phẩm chất đáng quý cần có sẽ dần thui chột. Những đứa trẻ ù lì này thường rất dễ gặp được ở Việt Nam chúng ta, nhất là các khu vực thành thị, khi mà trẻ em chỉ cần ngồi ngoan ở nhà và phần còn lại là của bố mẹ.
Hãy cố gắng giảm bớt thời gian trống của trẻ bằng cách hướng dẫn trẻ làm một số công việc thường ngày. Tự vệ sinh cá nhân, sắp xếp lại phòng học hay gấp quần áo của bản thân… là những công việc rất phù hợp với trẻ. Những công việc này ngoài việc giúp trẻ học được những kỹ năng sống cần thiết mà nó còn giúp trẻ hiểu được giá trị bản thân cũng như học được tính trách nhiệm. Trong quá trình làm việc, chắc chắn khả năng sáng tạo của trẻ sẽ được phát huy tốt nhất. Chỉ có làm việc mới tạo ra sự thay đổi tuyệt vời nhất dành cho não bộ.
3. Thường xuyên la mắng trẻ
Có một tật xấu cố hữu của những phụ huynh chúng ta là thường chỉ quan tâm đến những điều chưa tốt, chưa hoàn thiện của trẻ mà quên đi những cố gắng của chúng. Do vậy, những lời phàn nàn, trách cứ của người lớn có tác động mạnh mẽ đến trẻ hơn rất nhiều những gì chúng ta nghĩ.
Bạn có thể sẵn sàng mắng trẻ hàng giờ đồng hồ khi trẻ làm vỡ một quả trứng hay làm hỏng một thiết bị điện tử nào đó. Nhưng bạn sẵn sàng lờ đi khi trẻ làm hoàn thành bài tập sớm hơn thường lệ vì nghĩ đó là việc mà trẻ đương nhiên phải thực hiện. Chính những lời nói và ý nghĩ đó khiến trẻ không dám làm bất cứ một việc gì mà chỉ chăm chăm tìm cách làm hài lòng phụ huynh.
Bạn đã quên mất một vấn đề là trẻ em có nghịch ngợm là chúng đang tự do khám phá thế giới quan của mình. Và chính từ những khám phá đó, trẻ sẽ hiểu được rõ hơn thế giới của chúng. Những hành động cấm cản con trẻ vui chơi với cái lý do biện bạch là “tốt cho trẻ”, đó đơn giản chỉ là tấm bình phong bao biện cho sự ích kỷ của người lớn.
Thường xuyên đánh mắng trẻ là những hành động sai trái
Bạn rất buồn chán khi phải dọn một quả trứng vỡ hay thấy buồn phiền vì một cái áo bẩn của trẻ… đó mới chính là thứ khiến bạn ngăn cản trẻ tìm hiểu thế giới, chứ không phải hàng tá lý do về sức khỏe, nguy hiểm… mà bạn vẫn thường nói.
Hãy vứt bỏ những lời nói làm tổn thương trẻ và tìm cách chơi với trẻ nhiều hơn để thấu hiểu trẻ và cùng trẻ tìm hiểu thế giới xung quanh. Đây mới chính là cách tốt nhất để bạn không dần dần giết chết sự sáng tạo của trẻ và cũng là cách để bạn đem đến cho trẻ sự an toàn cần thiết.
Hãy sử dụng lời khen ngợi một cách thường xuyên hơn để trẻ càng ngày càng phấn đấu hoàn thiện bản thân mình. Khi trẻ sai, hãy phân tích cho trẻ hiểu và cùng với đó là lựa chọn một hình phạt phù hợp. Đánh đòn chỉ thể hiện sự bất lực của bạn trong việc nuôi dạy trẻ và nó cũng gây ra một vết thương tâm lý cũng như nỗi đau về thể xác rất lớn dành cho trẻ. Hãy tìm cách hiểu con hơn thay vì phê bình để hy vọng trẻ thay đổi.
4. Ít dành thời gian chăm sóc trẻ
Cơm, áo, gạo, tiền luôn là những nỗi lo toan mà bất kì ai cũng đều gặp phải khi trưởng thành, Nỗi lo này lớn hơn rất nhiều khi chúng ta lập gia đình và bắt đầu sinh con đẻ cái. Chúng ta dành ít thời gian hơn cho con trẻ và lao đầu vào công việc với hy vọng con trẻ sẽ có một cuộc sống vật chất tốt đẹp hơn.
Hãy cố gắng dành nhiều thời gian hơn cho những đứa trẻ của mình
Tuy nhiên, trẻ em không những cần vật chất để phát triển mà còn cần cả sự thương yêu và quan tâm đến từ phía bố mẹ – những người chúng yêu thương nhất. Hãy quan tâm hơn đến những đứa con của mình thay vì dành mối quan tâm quá lớn đến công việc.
5. Cho trẻ dùng smartphone quá sớm
Điện thoại thông minh hiện nay đang là một thiết bị điện tử được sử dụng nhiều nhất và tiện dụng nhất trên thế giới. Với chiếc smartphone, bạn có thể làm mọi thứ và tìm thấy mọi điều trên đó. Tuy nhiên, nó lại là một công cụ xóa nhòa dần đi khả năng sáng tạo cũng như sự nhạy bén của trẻ.
Việc thường xuyên cho trẻ sử dụng smartphone để trẻ ngồi yên một chỗ để bố mẹ rảnh thời gian làm việc khác đang là một “việc thường ngày ở huyện”. Hãy sớm chấm dứt hành động này ngay lập tức vì chính điện thoại thông minh đang là một thứ thuốc độc phá hủy dần dần mọi phẩm chất tốt đẹp sẽ nảy nở trong trẻ ở độ tuổi này.
Dẹp smartphone sang một bên, cho trẻ đi tiếp xúc và khám phá thế giới xung quanh. Đây mới là cách tốt nhất để trẻ có được một sự phát triển tốt nhất về cả thể chất và tinh thần.
Xem thêm: RÈN LUYỆN BÁN CẦU NÃO PHẢI CÓ GIÚP TRẺ TĂNG KHẢ NĂNG SÁNG TẠO?