|

XÂY DỰNG LÒNG TIN CHO TRẺ

Dưới đây là những lời khuyên bổ ích giúp ba mẹ dạy con luôn tự tin vào chính mình.

1. Kích thích khả năng sáng tạo

Một trong những cách tốt nhất để xây dựng lòng tin cho trẻ là bạn nên kích thích khả năng sáng tạo của chúng. Bạn có thể dạy và cho trẻ thực hành những trò chơi mang tính sáng tạo như tô màu, chơi nhạc, chơi thể thao, nấu nướng, viết truyện cho các tạp chí thiếu nhi…Khi trẻ thực hiện tốt những công việc như thế này cũng là lúc trẻ cũng cố thêm lòng tự tin của mình rất nhiều.

2. Phát huy các ưu điểm

Mỗi bé đều có những tài năng đặc biệt của riêng mình. Do vậy, nhiệm vụ của các bậc phụ huynh là phát hiện và tạo điều kiện thuận lợi để cho trẻ phát huy hết tài năng của mình. Hãy khuyến khích trẻ tham gia vào các trò chơi mà trẻ yêu thích và cùng tranh tài với những đứa trẻ khác. Trẻ sẽ ý thức được những mục tiêu phấn đấu đã đề ra, qua đó trẻ sẽ tự hào về những gì mình đạt được.

XÂY DỰNG LÒNG TIN CHO TRẺ

3.  Dạy con tự lập

Một trong những vấn đề hay tồn tại giữa con cái và bố mẹ là các bậc phụ huynh thường quá yêu thương con. Kết quả là họ không bao giờ để trẻ tự suy nghĩ, lựa chọn và quyết định một vấn đề gì đó. Thay vào đó, họ luôn luôn giúp đỡ con trẻ giải quyết các vấn đề mà không biết rằng, điều này thực sự có thể làm hư trẻ và khiến chúng luôn luôn phụ thuộc vào bố mẹ. Nếu bạn liên tục nói với con nên làm gì và làm thế nào thì chúng sẽ luôn thực hiện theo những đề nghị của bạn và không tin tưởng vào trực giác của chính mình. Từ đó, trẻ sẽ trở nên thụ động và thiếu khả năng sáng tạo. Cũng như người lớn, tư duy và kỹ năng giải quyết vấn đề cũng rất quan trọng. Vì vậy, bạn cũng nên tôn trọng các quyết định của trẻ, đồng thời dạy thêm cho trẻ những “kỹ năng mềm” để hợp tác với người khác.

4.  Dạy con biết chia sẻ và giúp đỡ người khác

Một đứa trẻ khi được học cách chia sẻ, quan tâm, chăm sóc và giúp đỡ người khác thì chắc chắn lúc trưởng thành, chúng sẽ biết quan tâm đến người khác nhiều hơn, sẽ cảm thấy tự tin vào bản thân hơn bởi vì bé nhận thức được giá trị của mình khi giúp đỡ ai làm việc gì đó. Qua đây, bé sẽ trực tiếp thấy rằng để hoàn thành việc gì luôn đòi hỏi sự nỗ lực, quyết tâm và trẻ sẽ dễ dàng hơn khi thực hiện các nhiệm vụ của chính mình trong tương lai.

Bạn có thể khuyến khích trẻ con góp tiền tiết kiệm hay sách vở, quần áo cũ của chúng để làm từ thiện. Điều này sẽ giúp chúng tự tin và cảm nhận được mối liên quan giữa món quà và lòng nhân ái. Hãy củng cố, xây dựng lòng tin cho trẻ bằng cách giải thích cho chúng hiểu hành động chia sẻ rất có ý nghĩa với bạn, cũng như những người mà chúng giúp đỡ.

Ngoài ra, sự chia sẻ và giúp đỡ người khác cũng là dịp để trẻ tham gia vào những hoạt động của cộng đồng, sẽ giúp trẻ mạnh dạn hơn trước đám đông. Bạn cũng có thể dạy trẻ cách quan tâm đến người khác, kể cả những người chúng chưa hề gặp mặt hoặc quan tâm đến thú vật hoặc môi trường thiên nhiên.Thêm vào đó, đừng quên kể cho con nghe những việc tốt mà bạn đã làm và cảm xúc của bạn về những việc làm này. Qua đó, bạn sẽ truyền lại cho con của mình những nghĩa cử tốt đẹp. Khi chúng trưởng thành, chúng nhận thấy món quà chia sẻ cũng được đền đáp một cách xứng đáng và bài học về sự chia sẻ cứ tiếp tục truyền mãi cho các thế hệ sau.

5.  Khuyến khích trẻ luyện tập thể thao

Vóc dáng thon gọn và khỏe đẹp chính là một trong những yếu tố quan trọng góp phần tạo nên sự tự tin cho con trẻ. Vì vậy, bạn nên khuyến khích trẻ thường xuyên luyện tập thể thao để luôn khỏe đẹp. Thêm vào đó, bạn cũng nên hướng dẫn cho trẻ các tư thế đúng khi di chuyển. Với dáng đi thẳng đứng tự nhiên, khỏe khoắn, ánh mắt hướng nhìn về người khác và một nụ cười rạng rỡ sẽ giúp trẻ tạo nên những ấn tượng tích cực đối với người khác. Qua đó, bé sẽ cảm thấy tự tin vào bản thân nhiều hơn.

Tất nhiên là bạn luôn muốn ngăn con khỏi những tổn thương và thất vọng nếu phạm lỗi gì đó nhưng khi bạn can thiệp quá nhiều, thì chẳng mang lại điều gì tốt cho bé cả. Trẻ em cần được biết thất bại là bình thường và không có gì bất thường khi cảm thấy buồn, lo lắng hay tức giận. Chúng cần học cách thành công bằng cách vượt qua những trở ngại chứ không phải là bạn cố loại trừ khó khăn cho con.

6.  Dạy trẻ luôn lạc quan

Nếu bé hay cảm thấy thất vọng về các vấn đề trong cuộc sống, các bậc phụ huynh nên hướng con cái đến những suy nghĩ lạc quan hơn. Hãy khuyến khích bé nghĩ về những cách cụ thể để cải thiện một tình huống nào đó và giúp bé đạt tới gần mục tiêu hơn. Ví dụ như nếu bé kém hơn các bạn cùng lớp về khả năng đọc, hãy giải thích rằng mỗi người có tốc độ học khác nhau và dành thêm thời gian để tập đọc cùng con. Có thể rất lâu nữa bé mới hiểu hết ý nghĩa của từ khen ngợi nhưng bé thường thích bắt chước âm điệu và cử chỉ nét mặt của bạn. Động viên con cũng là cách dạy bé biết yêu bản thân và củng cố lòng tự tin cho con. Bạn có thể động viên khi con thử đồ chơi mới hoặc cất đồ chơi ở nơi cố định. Một nụ cười tươi và giọng nói vui vẻ: “Con ngoan quá. Bố mẹ yêu con” là điều cần thiết.

7.  Tạo sự gần gũi với gia đình

Trẻ con thường thích vui chơi với bạn bè cùng lứa nhưng cũng rất quan trọng để bé ở bên những người trưởng thành. Trải nghiệm với những người lớn hơn sẽ mở rộng thế giới của bé. Vì thế, bạn nên khích lệ bé trò chuyện với những người lớn bên cạnh bạn. Nghiên cứu cho thấy, có mối quan hệ gắn bó với một người trưởng thành đặc biệt – như cô giáo, một người bác, người trông trẻ hay một người bạn của bố mẹ sẽ khiến trẻ vững vàng hơn.

Quan trọng hơn cả, bạn hãy dành nhiều thời gian để chia sẻ và tạo sự gần gũi giữa con cái với gia đình. Hãy khuyến khích bé nói lên suy nghĩ của mình và cùng nhau giải quyết vấn đề. Việc bố mẹ dành thời gian lắng nghe con nói cũng giúp con cảm thấy mình là người quan trọng.

Superbrain Việt Nam