tại sao con phải chào hỏi
|

TẠI SAO CON PHẢI CHÀO HỎI Ạ?

Có lẽ đã không ít lần bạn phải đối mặt với những câu hỏi của con trẻ khiến mình lúng túng. “Tại sao loài chim lại bay?”, “Tại sao con mèo lại có 4 chân?”… Tuy nhiên, đó chỉ là những câu hỏi ngây thơ của con trẻ mà chúng ta có thể miễn cưỡng trả lời được. Nhưng nếu một ngày trẻ hỏi bạn “Tại sao con phải chào hỏi người lớn?” thì bạn sẽ trả lời câu hỏi hóc búa này như thế nào?

tại sao con phải chào hỏiTại sao con phải chào hỏi?” là một câu hỏi khiến phụ huynh khó trả lời.

Chào hỏi người lớn chắc chắn là một việc cần làm và cần rèn đối với trẻ nhỏ bởi nó thể hiện rõ truyền thống đạo lý của dân tộc ta. Tuy nhiên, với một đứa trẻ còn nhỏ, khi chúng chưa thật sự định hình được các quy luật của xã hội thì câu hỏi “tại sao con phải chào hỏi người lớn” là một việc không khó hiểu. Và bạn hãy thử trả lời câu hỏi này đi, rất khó đúng không nào? Vậy khi trẻ hỏi, bạn cần giải thích với trẻ ra sao để vừa chính xác, khiến trẻ hiểu và làm theo mà không cần phải ép “con phải làm vậy không vì gì cả”.

1. Nguyên nhân dẫn đến câu hỏi của trẻ

Để có thể cởi dây, cách đơn giản nhất là hãy tìm người buộc dây. Tương tự trong vấn đề này, để trả lời được câu hỏi của trẻ, cách đơn giản nhất là bạn hãy tìm hiểu nguyên nhân tại sao trẻ lại đặt ra một câu hỏi “phi logic” đến vậy.

  • Cách xử lý của người lớn

Bạn hãy xem lại cách giao tiếp của chính mình. Thông thường, người lớn chúng ta khi đi cùng trẻ và gặp một đối tượng khác, chúng ta thường chỉ “hỏi” chứ không “chào”. “Bác đi đâu đấy?”, “Bác sang chơi ạ”… Đó chỉ là những câu hỏi chứ không phải là một câu chào. Bạn thấy không? Chính chúng ta đã không hề chào khách khi gặp họ, vì vậy, trẻ sẽ không thể học theo các bạn được. “Tấm gương” của trẻ không ai khác, đó chính là bạn.

TẠI SAO CON PHẢI CHÀO HỎI Ạ?Trẻ em thường chú ý đến hành động của bạn để hoàn thiện chính bản thân trẻ

Và những người lớn đối diện – những người khách thì sao? Họ – và có nhiều lúc là chính bản thân chúng ta – cũng luôn mỉm cười để chờ một lời chào từ con trẻ. Chúng ta không hề đưa đến cho những đứa trẻ một câu chào đơn giản như “cô/ chú chào con”. Chúng ta không làm gương thì không khó hiểu vì sao con trẻ lại không thể học theo.

  • Sự ép buộc con đến khó hiểu

Có lần mình gặp một người bạn đi cùng với con của cô ấy. Khi gặp mình, người bạn đó đã bắt ép đứa trẻ phải chào mình bằng được, mặc dù đứa bé có vẻ không chịu và đã khóc. Tại sao chúng ta phải ép trẻ đến mức độ như vậy? Chẳng nhẽ chỉ vì sợ mọi người phê bình “không biết dạy con” sao? Điều đó không đáng, bởi nó đang bắt ép trẻ làm những việc không đầu không đuôi, việc mà trẻ không rõ nguyên nhân và mục đích.

TẠI SAO CON PHẢI CHÀO HỎI Ạ?Ép buộc trẻ nhỏ phục tùng ý chí của mình là điều nên tránh

Có lẽ tư tưởng Nho Giáo đã ăn sâu bén rễ vào văn hóa cũng như lối sống của dân tộc ta. “Tiên học lễ, hậu học văn” đã trở thành một điều luôn đúng. Tuy nhiên, lễ phép của một cá nhân tuy bắt đầu bằng một câu chào, nhưng lời chào đâu có đánh giá được một con người là lễ phép. Do vậy, hãy dạy trẻ lễ phép sao cho đúng cách.

Đó là hai nguyên nhân chính dẫn đến việc trẻ đặt ra câu hỏi “tại sao con cần chào hỏi”. Vậy, khi trẻ đã đặt ra nghi vấn thì chúng ta, những phụ huynh thông thái cần giải đáp cho con mình như thế nào?

2. Giá trị của câu chào

Khi chúng ta làm một việc gì đó, chúng ta làm chỉ khi nó có giá trị. Trẻ con cũng vậy, muốn trẻ đáp ứng nhu cầu của người lớn, đầu tiên bạn hãy cho chúng biết, việc làm của chúng là việc làm có giá trị.

Đừng vội đặt nặng vấn đề với trẻ: lời chào cao hơn mâm cỗ hay phải chào mới là đứa bé có giáo dục… Bạn hãy từ tốn phân tích cho trẻ hiểu lời chào của trẻ có giá trị như thế nào.

“Khi con chào hỏi người lớn thì cô/chú ấy sẽ rất quý con”: đây là một cách khích lệ trẻ, khiến trẻ hiểu được giá trị của một lời chào đem lại tác dụng gì cho trẻ.

TẠI SAO CON PHẢI CHÀO HỎI Ạ?Khích lệ trẻ là cách nhanh nhất để trẻ nghe lời

“Mẹ sẽ rất vui và tự hào khi con của mẹ biết chào người lớn”: Đây là một câu trả lời khiến cho trẻ thấy rõ ràng được giá trị lời chào hỏi của bản thân mình. Thực chất, trẻ yêu thương bạn rất nhiều chứ không phải chỉ có bạn yêu thương trẻ đâu. Vì vậy, nếu bạn vui vẻ và tự hào về trẻ, đó chính là điều khiến trẻ vui nhất và cảm thấy có giá trị nhất khi trẻ thực hiện lời chào của mình với người lạ.

3. Để trẻ có sự lựa chọn

Người lớn chúng ta cũng không thích giao tiếp quá thân mật với những người lạ và dĩ nhiên, trẻ em cũng vậy. Bạn hãy để ý mà xem, với những người thường xuyên gặp mặt và thương yêu trẻ, trẻ sẽ chào họ từ khi nhìn thấy từ xa. Do vậy, trẻ không chào hỏi một người lạ không hẳn là do trẻ không ngoan mà đơn giản chỉ là trẻ sợ hoặc rụt rè.

Do vậy, hãy cho trẻ lựa chọn giữa việc chào hoặc không chào khi gặp một người lạ. Nếu ba mẹ nói thay dễ khiến trẻ quen và không chào vào những lần sau. Ba mẹ có thể nói với con: “Không sao, chắc con chưa quen nhưng mà lát nữa nhớ chào cô/chú nha”.

TẠI SAO CON PHẢI CHÀO HỎI Ạ?Hãy hướng dẫn trẻ chào hỏi một cách khoa học

Lát sau thấy trẻ quen dần rồi thì Ba mẹ nhắc lại để trẻ chào, không bỏ qua vì dễ tạo thói quen ko chào hỏi của trẻ. Việc này vô hình chung giúp trẻ hiểu được trẻ có sự lựa chọn trong việc có hay không chào hỏi người đối diện. Nếu trẻ lựa chọn không, chúng ta sẽ là người làm thay trẻ việc đó, không những thế, lời xin lỗi sẽ là một cách cảnh tỉnh trẻ để trẻ hiểu: không chào hỏi người lớn là điều không tốt. Không có câu trả lời nào hoàn hảo bằng hành động.

Vậy khi đã có những câu trả lời hoàn hảo cho câu hỏi “tại sao con phải chào hỏi?” thì bạn làm thế nào để trẻ tự tin chào hỏi một người lạ?

4. Cách giúp trẻ tự tin chào hỏi một người lạ

  • Hãy làm gương cho trẻ

Trẻ em là một “cỗ máy copy” hoàn hảo. Chúng sẽ học theo tất cả những thói quen và hành động của bạn. Do vậy, làm gương cho trẻ là cách đơn giản nhất để trẻ thấy được giá trị của việc chào hỏi. Hãy chào khách hay người quen nào khi họ đến chơi nhà, điều này sẽ khiến trẻ hiểu và học theo những hành động đó của bạn.

  • Dạy trẻ biết tôn trọng người khác

Cách dạy trẻ tôn trọng người khác tốt nhất đó là bạn hãy tôn trọng trẻ. Hãy nhớ thay vì bắt ép trẻ, đưa ra cho trẻ những lựa chọn… là những phương pháp đơn giản nhất để trẻ hiểu được sự tôn trọng của cha mẹ đối với mình.

  • Dạy trẻ kỹ năng giao tiếp

Dạy trẻ kỹ năng giao tiếp hay chính xác hơn là giúp trẻ tự tin trước người lạ là cách giúp trẻ có thể tự tin khi chào hỏi với người khác. Phương pháp này cần sự kết hợp chặt chẽ giữa cả gia đình và nhà trường để có thể đạt hiệu quả cao nhất. Nếu có thể, bạn hãy cho trẻ học một vài khóa học ngoại khóa rèn luyện kĩ năng sống, kỹ năng giao tiếp… Nhất là trong thời điểm hiện tại, khi trẻ có rất nhiều thời gian khi nghỉ hè.

Những khóa học ngoại khóa ngoài cung cấp các kiến thức cần thiết để hoàn thiện kiến thức cho trẻ, nó còn cung cấp cho trẻ những cách học, cách tư duy mới, tạo bước đệm rất lớn cho sự thành công của bé sau này.

Superbrain Việt Nam